Mệt mỏi với sếp... nữ

Chuyển sang nơi mới, điều chị Trang tiếc nhất là sếp quản lý trực tiếp mình là nữ. Sếp nữ tại công ty cũ cũng là lý do chính chị "nhảy việc".

Mệt mỏi với sếp... nữ

Chuyển sang nơi mới, điều chị Trang tiếc nhất là sếp quản lý trực tiếp mình là nữ. Sếp nữ tại công ty cũ cũng là lý do chính chị "nhảy việc".

Đầu năm nay, chị Hoàng Thu Trang, nhân viên truyền thông tại một công ty ở TPHCM quyết định nghỉ việc, chuyển sang một đơn vị mới. 

Chị khá phấn khởi khi chỗ mới công việc phù hợp với chuyên môn, thu nhập tốt. Có điều chị lấn cấn nhất là sếp quản lý trực tiếp  với mình là nữ. Cũng là phụ nữ nhưng từ những trải nghiệm của mình, chị thẳng thắn bày tỏ thích làm việc sếp nam hơn. 

Chị mới nghỉ việc ở công ty cũ cũng bởi lý do vì sếp - một phụ nữ 45 tuổi.  Trong công việc chị hay bị sếp soi, bắt bẻ những vấn đề không biết làm cách đỡ lại nổi. 

 Nhiều nhân viên ngại việc khi sếp là... nữ (Ảnh minh họa)

Nhiều lần, xong phần việc của mình, chị chuyển qua sếp.  Sau đó sếp quên hay gặp trục trặc liền quay sang mắng nhân viên, sao không quan tâm, chú ý hỗ trợ sếp, làm việc vô trách nhiệm. Lần sau, chị nhắc thì nghe giọng đầy tự ái: Đấy không phải việc của em!

Khi giao việc, sếp không nắm thực tế, chỉ đạo nhân viên phải làm cách này, cách kia tủn mủn theo các nhìn của mình. Những khó khăn nhân viên trình bày đều bị gạt đi, sếp kể lể hồi trước tôi làm thế này thế kia. Làm theo chỉ đạo mà hỏng việc thì sếp đổ hết lên đầu nhân viên. 

Sau đó, chị Trang quyết định nghỉ việc như nhiều người đã làm trước đó. Việc mới, vẫn "đụng" sếp nữ, chị chỉ mong sẽ gặp người sếp thật sự tạo động lực cho nhân viên làm việc. 

Không chỉ trong công việc, sếp rất hay "soi" vấn đề riêng tư như chuyện ăn mặc, chồng con...

"Hôm trước Tết, bố tôi ở quê bệnh trở nặng, tôi xin phép nghỉ. Ngay sau đó, sếp chụp màn hình tôi comment trong một bài viết của một người bạn gửi qua: "Vừa mới đi bình luận tưng bừng thế này, giờ bố ốm rồi à?". Khi bố tôi mất, chị cũng không hỏi một lời", chị Trang kể. 

Anh Lê Hồng Sơn, 32 tuổi kể nhân viên công ty anh phải nói là nhấp nhổm vì sếp là nữ. Sếp quản lý và làm việc theo cảm xúc, không ai biết thế nào mà lần. 

Lúc vui thì sếp rất thoải mái, thậm chí là dễ dãi, bỏ hết mọi nguyên tắc. Nhưng ngược lại, khi có chuyện không vui, sếp nổi trận lôi đình, đưa mọi quy định, nguyên tắc cứng nhắc ra đổ lên đầu nhân viên.

Trong cách ứng xử với nhân viên, sếp đã bênh ai thì bất chấp, dồn hết mọi ưu tiên vào đó, dẫn đến bất công với người khác. Nhân viên nào đã "ngứa mắt" thì cố gắng cỡ nào cũng bị bắt bẻ. 

Từ chối nhận việc vì sếp 

Theo anh Nguyễn Văn Đường, nhân viên marketing tại một công ty tại TPHCM,  không biết có định kiến giới không nhưng nhiều lần khi xin việc, anh đã có lần từ chối nếu sếp là nữ. 

Trước đây, anh đã từng làm việc với một vài sếp nữ. Dù không mâu thuẫn hay ghét bỏ gì nhau nhưng với anh, anh không dễ làm việc. Trong công việc, có người ít tin tưởng, không thừa nhận năng lực của người khác. Có người hay đôi co, nhiều khi việc không đáng cũng bắt anh em ngồi nghe cả tiếng, kể cả ngoài giờ.

"Có những sự việc rất nhỏ, có thể làm đơn giản nhưng "qua tay" quản lý nữ có thể trở nên rất rối rắm, phức tạp... dễ kéo theo sự mệt mỏi cho nhân viên", anh Nguyễn Văn Đường. 

Chưa kể, quản lý theo cảm xúc, lúc thế này, hôm sau xoay thế khác. Theo anh Đường, với sếp nam, nhân viên không thân thiết vẫn có thể yên ổn làm việc.

Còn riêng sếp nữ, nhân viên nào lấy được lòng, chăm đi lại thì mới mong có đường tiến. 

Tuy nhiên, theo anh sếp nữ cũng có những lợi thế là dễ mủi lòng, dễ thuyết phục, hay nương tay trước nhiều vấn đề. 

"Làm việc với một số sếp nữ phải năng thân thiết, hiểu về nhu cầu của sếp như  chịu khó chụp hình, đi ăn, tám chuyện; lắng nghe, hưởng ứng, hiểu về tâm tư của sếp, biết khen ngợi... Và nếu nhân viên thể hiện quan điểm sống khác sếp thì rất dễ bị khó chịu, chứ không chỉ làm việc giỏi là xong việc", Quỳnh Anh, biên tập viên một nhà sách, hài hước nhận xét.

Nên thấu hiểu sếp nữ

Theo Quỳnh Anh, cô chỉ nói trên bình diện chung chứ không "vơ đũa cả nắm". Có những sếp nữ rất hay và có sếp nam cũng rất tệ. Quỳnh Anh đang làm việc với một sếp nữ 3 năm nay. Mọi việc rất ổn.  

Chưa hẳn tất cả các sếp nữ đều khó tính và gây ác cảm tới nhân viên. Nhiều ý kiến cũng khẳng định, không thiếu các sếp nữ thực sự sả thân, chia sẻ tới nhân viên. Thậm chí còn ôm đồm cả công việc của nhân viên. 

Không ít khảo sát, nghiên cứu chỉ ra, sếp nữ chưa được chào đón như sếp nam không chỉ bởi nhân viên nam mà ngay với cả nhân viên nữ. Điều này ngoài những định kiến, góc nhìn thì theo các chuyên gia, còn xuất phát từ đặc điểm giới. 

Một số hạn chế của sếp nữ thường được đề cập như tâm trạng thất thường, thiếu nỗ lực, tự cao tự đại, ganh tỵ...  

Ít nhiều, khi ở vị trí sếp, người nữ gặp những khó khăn nhất định. Với những gánh nặng đối với phụ nữ, họ phải gánh vác nhiều thiên chức, trọng trách như mang thai, sinh con, chăm chồng con, gia đình, các mối quan hệ... khó tránh tác động đến công việc.  

Ngoài việc người nữ cần có những cải thiện, điều chỉnh khi ngồi ở chiếc ghế quản lý, để họ hoàn tốt công việc, không thể thiếu sự thấu cảm, sẻ chia, hỗ trợ từ gia đình, từ nhân viên và cả cấp trên.